Tài Liệu Nông Nghiệp

26/7/17

Các biện pháp khắc phục và chăm sóc lúa sau ngập úng

Khẩn trương tiêu thoát nước trên ruộng càng sớm càng tốt; nếu ngập sâu trên 3 ngày lại gặp nắng nóng thì nguy cơ chết lúa cao. Nếu lá lúa bị bám đất phù sa, rêu phủ cần té khùa để rửa lá trước thi bơm tát tiêu rút nước;...

Ảnh minh hoạ

- Có điều kiện nên thoát cạn trơ mặt ruộng hoặc chỉ để 2 - 3cm nước trên mặt.

- Kiểm tra các khóm và khu vực bị chết úng, nhổ khóm lúa nếu thân lá lúa bị thối, ủng, rễ đen không có đầu rễ trắng; những khóm lúa như vậy sẽ chết.

- Khẩn trương tiến hành dặm tỉa: Tỉa bớt dảnh từ khóm, khu vực ko bị ngập úng, mạ còn dự phòng, các chân ruộng cao lúa đang đẻ rộ, chú ý dặm cùng một giống hoặc các giống có cùng thời gian sinh trưởng.

- Sau dặm tỉa 3 - 4 ngày, ruộng lúa đã hồi phục dần, bà con bón thúc ngay lượng phân NPK hàm lượng cao 16-16-8 chuyên thúc kết hợp đùa sục bùn mặt ruộng. Khi có lá mới phun bổ sung bằng phân qua lá hoặc chât sinh học hỗ trợ ra rễ như PennacP, Kali humat, KH...

- Kiểm tra diện tích gieo sạ gieo vãi, thoát kiệt nước và gieo bổ sung ngay chỗ bị trẩm, thối sau ngập (diện tích mới gieo), tỉa dặm cho diện tích đã có 2 - 3 lá, bón thúc và phun bổ sung PennacP, Kali humat.

- Bảo vệ mạ dự phòng, khẩn trương gieo cấy ngay sau bão số 4 khi đủ điều kiện.

- Theo dõi phòng trừ ốc bươu vàng.

Trần Xuân (nongnghiep.vn)

18/7/17

Gieo sạ, bón phân hợp lý cho lúa thu đông

Cần sạ với mật độ vừa phải và bón phân theo chế độ cân đối mới mang lại hiệu quả cao. Nhưng trên thực tế nhiều bà con sạ dày và thiệt hại do bón thừa phân đạm vẫn còn khá phổ biến, xuất hiện rải rác trong các vụ mùa trong năm.

TS Chu Văn Hách, nguyên Trưởng bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL cho biết, sạ thưa đồng nghĩa giảm giống, phân, sâu bệnh, lúa ít đổ ngã, năng suất tăng… trên thực tế cho thấy rất đúng với những nghiên cứu khoa học.

Sạ thưa, bón phân cân đối là biện pháp giảm dịch bệnh, giảm chi phí, tăng năng suất

Từ đó có một số khuyến cáo, nông dân nên sạ từ 100 - 120kg/ha, nếu sạ dày số chồi lên đến khoảng 1.000 nhưng số bông chỉ đạt từ 400 - 450, nhưng số hạt chắc thấp hơn. Chúng ta có thể gia giảm tùy theo lượng giống, đối với ruộng khô thì tỷ lệ đẻ nhánh ít hơn từ đó cần điều chỉnh gia giảm.

Theo khuyến cáo 10kg giống/công thì có thể tăng thêm khoảng 2kg nữa nếu tính 120kg/ha để bù trừ vào ốc bươu gây hại hoặc mưa gió. Như vậy sẽ giúp bà con đạt được năng suất tối đa và chi phí về phân bón và áp lực từ sâu bệnh giảm, từ đó chi phí đầu vào giảm đi dẫn đến lợi nhuận tăng lên.

Theo TS Hách, để đảm bảo được hiệu quả đầu tiên cần làm đất tốt, hạn chế được ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, cần phải hóa giải những yếu tố hạn chế trong đất. Đối với vụ thu đông nếu đất bị nhiễm phèn thì cần phải đưa nước vào để rửa phèn trước khi sạ. Đối với đất bị ngộ độc hữu cơ thì có thể giãn thời gian và khoảng cách giữa 2 vụ, tốt nhất là 3 tuần, đối với vụ này có thể sạ 120kg/ha bù trừ hao hụt, sử dụng giống lúa xác nhận.

TS Hồ Văn Chiến, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Đối với đất càng cạn kiệt dinh dưỡng thì bà con càng nên sạ thưa, quang hợp cạnh tranh thiếu ánh sáng. Nếu cây lúa thẳng thì ánh nắng chiếu thẳng xuống được, nếu đồng ruộng sạ dày, cây lúa có đặc tính nhóng lên để hứng ánh sáng. Nếu bón thừa phân đạm dẫn đến lá lúa rũ xuống, cây lúa càng nhóng lên nữa dẫn đến dễ đổ ngã. Hầu hết nông dân thường bón thiếu phân lân ở giai đoạn đầu dẫn đến cây lúa về sau dễ đổ ngã và bị muỗi hành tấn công, mặc khác lại bón dư kali làm cháy bẹ lá và lại tiếp tục tạo điều kiện để muỗi hành tấn công.

Còn sạ dày gặp thời tiết mưa bão cây dễ đỗ ngã hơn, để cây lúa cạnh tranh với cỏ thường sạ dày để cây lúa đè cây cỏ, đây là một quan niệm sai khi thực tế cây cỏ thường cao hơn cây lúa, cuối cùng cây cỏ thường "đè" cây lúa. Vì vậy cần chú ý sạ hàng từ 80 - 100kg giống/ha. Từ đó tạo điều kiện để thiên địch phát triển để hạn chế sâu bệnh gây hại.

“Nếu sạ dày dẫn đến bón phân nhiều, nhiều sâu bệnh, phun thuốc nhiều dẫn đến sâu kháng thuốc nhanh. Đặc biệt là những con thiên địch bắt mồi ăn thịt chết, còn rầy nâu trốn dưới gốc thì sống, chỗ sạ càng dày sẽ càng có ít thiên địch, từ đó cho thấy sạ dày dẫn đến sâu hại nhiều hơn thiên địch và dẫn đến mất mùa”, TS Chiến nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cũng đưa ra những khuyến cáo công thức chung để bà con có thể tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện ruộng của mình. Riêng đối vụ hè thu, thu đông đối với 3 vùng đất chính trồng lúa ở vùng ĐBSCL, trong đó vùng đất phù sa khuyến cáo bà con bón tối đa 150kg urê, có thể dao động trong 120 - 150kg, đối với phân DAP bón khoảng 80 - 100kg, kali bón khoảng 30 - 50kg/ha. Đối với ruộng đất phèn thì bà con cần giảm lượng đạm và tăng lượng lân, đạm bón khoảng từ 110 - 130kg urê trên 1ha cộng với 90 - 100kg DAP, kali 50kg/ha.

Riêng đối với vùng đất mặn, phèn thì nên bón lượng đạm cao hơn, do trong điều kiện đất mặn độ pH cao, khả năng thất thoát phân đạm cũng cao hơn so với vùng đất phù sa và đất phèn, khuyến cáo bón khoảng 140 - 160kg urê cộng với 90 - 100kg DAP và bón khoảng 50kg kali clorua, tùy theo điều kiện từng vùng mà bà con có thể gia giảm lượng phân bón để phù hợp.

Ông Tạ Duy Linh, Giám Đốc Marketing Công ty Phân bón Behn Meyer (CHLB Đức) cho biết: Thói quen của bà con ở ĐBSCL thường sạ với mật độ dày, đương nhiên phải bón lượng phân nhiều hơn dẫn đến phun thuốc nhiều hơn và sâu bệnh nhiều hơn, chi phí phát sinh cao hơn dẫn đến lợi nhuận thấp đi. Do vậy phân bón là một trong những tổng hợp tất cả các biện pháp trong canh tác.

Lê Hoàng Vũ (nongnghiep.vn)

3/7/17

Kỹ thuật trồng nghệ 'mượn giống'

Củ nghệ giống (nghệ vàng) sau trồng 5 - 6 tháng, có thể bới gốc lấy lại củ vốn làm nghệ thương phẩm, được coi là “mượn giống”.

Đất trồng: Chọn chân ruộng đất cát pha, chủ động tưới tiêu. Đất phù sa non (bãi ven đê) trồng nghệ là tốt nhất. Ruộng cày 2 lần tới độ sâu 35 - 40cm thì dừng. Phơi đất ải kiệt. Lên luống rộng 1,3m, cao 15 - 20cm, rãnh luống rộng 25 - 30cm.

Ruộng nghệ xen canh lạc

Tiêu chuẩn củ giống: Phải đủ 12 tháng tuổi, không sâu bệnh, không trầy xước và bầm giập. Khóm nghệ sau thu hoạch tách lấy 2 má củ (cạnh bên khóm) dùng làm giống. Củ giống càng to càng tốt, trung bình khoảng 300gr/1 củ. Mỗi củ có 1 nhánh cái và 2 - 5 củ nhánh cấp 1; 2.

Lượng giống trồng/1 sào 360: 250 - 300kg.

Mật độ trồng: 970 - 1.000 cây. Trồng 2 hàng trên luống. Hàng cách hàng 45cm. Cây cách cây 50cm.

Khơi hốc so le nanh sấu. Củ giống trồng sâu 7 - 10cm. Lấp đất kín củ. Không để củ giống tiếp xúc trực tiếp với phân bón. Đặt trồng sao cho các củ cái qoay đều về một hướng trên luống, để tiện thu hồi củ vốn sau này.

Lượng phân: Tro bếp 300kg. Đỗ tương nghiền 100kg. Đạm urê 20 - 25kg. Kalisunfat 30kg (có thế dùng kaliclorua). Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh 300kg. Lân supe 15 - 20kg.

Bón lót: Bón sâu 50% lượng phân hữu cơ vi sinh + 30% lượng đỗ tương nghiền + 100% số phân lân. Bón mặt luống 200kg tro bếp và vét rãnh lấp tro.

Bón thúc lần 1 (cây 2 - 3 lá): 4 - 5kg urê pha nước tưới.

Lần 2 (khi thu hồi củ vốn): Bón sâu hết số phân hữu cơ vi sinh và đỗ tương còn lại. Bón mặt nối số tro bếp và vét rãnh lấp tro.

Lần 3 (cuối tháng 7): 10kg đạm urê + 10kg kali, kết hợp vun gốc.

Lần 4 (cuối tháng 8): 15kg đạm urê + 20kg phân kali.

Ngoài ra, cần căn cứ thực tế sinh trưởng của ruộng nghệ để tăng giảm lượng phân bón cho hợp lý. Kiểm tra nếu cây nghệ sinh trưởng chậm, thân còi cọc, lá hẹp nhỏ, mỏng, mép lá hơi quăn, cần bón bổ sung đạm urê và phân hữu cơ vi sinh. Ruộng nghệ quá tốt, thân cây xanh mập mềm yếu, lá lả lướt, cẩn bón bổ sung phân kali…

Cần thường xuyên nhổ bỏ cỏ dại, dưỡng nước đủ ẩm cho ruộng nghệ, để cây sinh trưởng phát triển tốt.

Phòng trừ sâu bệnh: Cây nghệ ít nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên ở những ruộng nghệ thâm canh cao lâu năm, đã xuất hiện bệnh thối cây thối củ, hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như, chọn củ giống sạch bệnh, phơi đất ải kiệt, bón phân cân đối, chăm bón kịp thời để tăng sức đề kháng, luân canh nghệ với cây trồng khác họ gừng. Khi ruộng nghệ có những cây bị thối thân, cần nhổ bỏ cả khóm củ đưa đi tiêu hủy.

Thu hoạch:

- Thu hồi củ vốn: Khi mỗi bụi nghệ phát triển được 2 - 3 cây, mỗi cây có 5 - 6 lá, có thể tiến hành thu hồi củ vốn. Dùng dầm khơi nhẹ đất hướng trồng củ cái trước đó, tách nhẹ lấy củ vốn dùng làm nghệ thương phẩm (lượng củ vốn thu hồi được trên 80%).

- Thu củ khơi đất nhẹ nhàng, tránh chạm vào khóm củ gây trầy xước bầm giập. Sau đó nhắc cả bụi cây, cắt bỏ thân lá, rũ sạch đất mà không rửa củ, bán ngay cho thương lái hoặc đóng bao tiêu thụ dần.

Kỹ thuật trồng xen:

Củ nghệ sau trồng 2,5 - 3 tháng mầm cây mới vươn khỏi mặt đất, trong gian này có thể trồng xen một số cây rau màu ngắn ngày để tăng thu nhập. Nên trồng xen nghệ với lạc hoặc đậu tương để vừa có sản phẩm thu hoạch, vừa có tác dụng bồi dục đất, bổ sung dinh dưỡng thúc đẩy nghệ sinh trưởng tốt.

- Trồng xen lạc: Dùng cuốc rạch 1 hàng giữa luống, sâu 7 - 10cm. Rải lân supe xuống rạch (7 - 10kg/sào). Lấp đất kín phân. Cách 12 - 15cm gieo 1 - 2 hạt, sau gieo phủ đất kín hạt. Dùng rơm rạ, cỏ khô phủ luống giữ ẩm đất. Khi lạc ra hoa rắc vôi bột xung quanh gốc lạc (7 - 8kg/sào).

- Xen đậu tương: Gieo 2 hàng đậu giữa luống. Hàng cách hàng 35cm. Cây cách cây 7 - 8cm. Bón thúc 3 - 4kg urê/sào, chia 2 lần, khi cây có 2 - 3 lá thật và 4 - 5 lá thật.

- Phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của cán bộ chuyên ngành địa phương.

Sau thu hoạch các cây họ đậu, cần để lại thân lá trên luống nghệ làm phân bón hữu cơ cải tạo đất.

Thuý Quỳnh (nongnghiep.vn)

1/7/17

Chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng

Làm đòng là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với cây lúa bởi tính chất quyết định năng suất, do đó bất kỳ một tổn thương nào tại thời điểm này cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của bà con. 

Vì vậy, bà con cần trang bị thật đầy đủ kiến thức canh tác về chăm sóc lúa ở giai đoạn làm đòng để vừa đạt năng suất cao, vừa tối ưu về mặt chi phí.

Nông dân ĐBSCL phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

GS. TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: “Làm đòng là một giai đoạn cực trọng đối với cây lúa vì là lúc chuyển đổi từ thời kỳ sinh trưởng sang sinh sản, ở thời điểm này cây lúa vừa phải hoàn thiện các bộ phận, vừa phải tích lũy thật nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng, do đó vấn đề tập trung dinh dưỡng là rất lớn mà dinh dưỡng nhiều thì sâu bệnh lại dễ tấn công”. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với thông tin được ghi nhận từ các địa phương, cụ thể là tại thời điểm làm đòng trong vụ hè thu 2017 đã và đang có rất nhiều đối tượng gây hại đe dọa quá trình sinh trưởng của cây lúa, về côn trùng thì có rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu cắn chẽn, nhện gié, muỗi hành..., về bệnh hại thì có đạo ôn, cháy bìa lá và khô vằn.

Mặc dù các đối tượng gây hại là rất nhiều và khó kiểm soát nhưng bà con đừng vì nôn nóng và lo sợ quá mức mà áp dụng các biện pháp phòng trị không đúng cách như phun thuốc liên tục hay phối trộn từ rất nhiều loại với nhau, điều này sẽ làm tốn kém rất nhiều ở chi phí đầu tư mà lại gây ảnh hưởng xấu đến thiên địch có lợi và sức khỏe. 

Theo lời khuyên từ các nhà khoa học thì trước hết bà con cần chuẩn bị tốt ở các bước đầu tiên như làm đất, cày sâu bừa kỹ để tận dụng tốt nguồn dinh dưỡng sẵn có trong đất, chọn thời điểm gieo sạ phù hợp và đồng loạt nhằm né tránh sâu rầy, bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa để tránh trường hợp thừa dinh dưỡng. Nên quan sát thật kỹ trên đồng ruộng để xem đối tượng nào đang tấn công nhằm chọn ra loại thuốc phù hợp vì đôi khi chỉ cần sử dụng một loại thuốc đã có thể quản lý nhiều đối tượng cùng lúc, nhờ vậy sẽ giảm được một phần rất lớn chi phí đầu tư.

Hồng Nhung (nongnghiep.vn)

15/11/15

Bệnh sữa ở tôm hùm

Bệnh do vi khuẩn Rickettsia - like là tác nhân chính; ngoài ra còn do vi khuẩn V. fluvialis, V.alginolyticus và một số ký sinh trùng.


Khi tôm bị bệnh, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục, dịch tiết (gồm cả máu) của tôm có màu đục như sữa, mô cơ chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục và nhão. Gan tụy chuyển màu nhợt nhạt, có trường hợp hoại tử. Bệnh xảy ra ở ở tôm từ 50 - 500 g/con, gây chết từ rải rác đến hàng loạt.

Có thể tiến hành trị bệnh sữa cho tôm hùm như sau:

Phác đồ 1: Khi phát hiện tôm bị bệnh, tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm trong lồng nuôi bằng Oxytetracyline 20% chứa LA và nước cất để pha. Với tôm hùm < 500 g/con, pha thuốc chứa 1 ml Oxytetracyline 20% + 9 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), lắc đều, liều tiêm là 0,1 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Với tôm > 500 g/con thì pha thuốc chứa 2 ml Oxytetracyline 20% + 8 ml nước muối sinh lý (hoặc nước cất), liều tiêm là 0,05 ml thuốc đã pha/100 g tôm. Nên dùng xilanh có dung tích 1 ml để tiêm tôm. Sau khi tiêm thuốc tiến hành ghi chép và theo dõi 2 lần/ngày khả năng bắt mồi cùng với dấu hiệu lâm sàng của bệnh sữa trong đàn tôm.

Sau khi điều trị, tiến hành kiểm tra lại toàn bộ tôm được điều trị. Kiểm tra dấu hiệu lâm sàng xem tôm còn dấu hiệu bệnh hay không. Nếu có điều kiện, người nuôi nên tiến hành thu, gửi mẫu xét nghiệm bệnh sữa tại các phòng thử nghiệm. Trường hợp sau khi thực hiện đúng phác đồ điều trị bệnh không khỏi, hoặc có những biến đổi bất thường, cơ sở nên báo cơ quan quản lý thú y thủy sản tại địa phương để hướng dẫn giải quyết.


Phác đồ 2: Treo túi khử trùng Chlorine dioxide (thành phần chính là Natri Chlorite), 2 túi/lồng, mỗi túi 10 viên (10 g thuốc), 1 lần/ngày. Dùng doxycyline 10% trộn thứ ăn với 7 g/kg thức ăn (chọn thức ăn có kích cỡ phù hợp với kích cỡ miệng tôm, sau khi trộn thuốc phải có thời gian để thuốc ngấm),  áp dụng 1 lần/ngày và trong 7 ngày liên tục. Lượng thức ăn trộn thuốc nên sử dụng lượng ít hơn bình thường để tôm sử dụng hết thức ăn, sau đó điều chỉnh tăng dần cho phù hợp. Bổ sung premix (vitamin, axit amin, khoáng chất) trộn thức ăn trong toàn bộ quá trình điều trị. Thời gian điều trị 10 ngày, sau đó dừng thuốc hoàn toàn; nếu không khỏi thì chuyển sang tiêm.

Tiến hành trộn thức ăn với thuốc bổ trợ đã tính toán, để khoảng 30 phút; sau đó cho chất bọc thuốc và trộn lại lần nữa trước khi cho ăn. Cho thức ăn vào túi hoặc vợt thả xuống đáy lồng rồi rải thức ăn ra đáy lồng cho tôm ăn lúc chiều tối. Trong quá trình điều trị cần bổ sung một số men, vitamin vào thức ăn. Liều lượng thuốc bổ trợ theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thú y hoặc nhà sản xuất.

Châu An (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

12/11/15

Hướng dẫn cách chăm sóc, xử lý cúc ra hoa đúng dịp tết

Hoa cúc là loại cây khó trồng do dễ bị nhiễm sâu bệnh, vì thế để cây cho chất lượng hoa tốt, hoa to, nở đúng dịp, người nông dân phải nắm vững kỹ thuật trồng, cách chọn giống, cách chăm sóc. Sau đây là một số kỹ thuật trồng và chăm sóc cúc chậu.

Chăm sóc hoa cúc - Ảnh: P.Nam

Giống cúc: Giống cúc đại đóa. Thời vụ trồng từ ngày 1 đến 15/8 âm lịch.

Tiêu chuẩn cây giống đem ra trồng: Cây cao 5-7cm, có 2-3 cặp lá, chiều dài rễ 1-3cm, sạch bệnh. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.

Chuẩn bị giá thể: Tro trấu, cát, xơ dừa tỉ lệ 1:3:1

Xơ dừa ủ trước khi trồng vài tháng, khi ủ trộn với vôi tỉ lệ 1:5, hàng ngày tưới nước, khoảng 10-15 ngày đảo đều, ủ cho đến khi hoai mục.

Trước khi trồng 1-2 ngày ngâm Vibasu 10H tưới vào giá thể để trừ kiến, dế.

Khi trồng ra chậu cần chú ý: Bà con nên trồng hoa cúc chậu trong nhà có mái che; tùy vào điều kiện kinh tế của từng hộ dân có thể dùng nhà lưới hiện đại hay nhà lưới đơn giản hoặc nhà che tạm. Khi trồng xong thì ta nên tưới nước bằng vòi hoa sen loại “doa 9” hoặc “doa 10”. Sau khi trồng ra chậu thì nên tưới sương ngày 3 lần vừa đủ ẩm, mục đích cho cây bén rễ, không bị héo. Sau khi trồng cúc ra chậu nên chong đèn ngay, thời gian chong đèn từ lúc 19 - 22 giờ, dùng bóng chữ U (18-20W), chiều cao từ chậu đến vị trí đặt bóng là 1,5m, khoảng cách 2,5m ta đặt một bóng đèn. Bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 1kg/100 chậu, cứ cách 5-7 ngày tưới một lần.

Khi cây bén rễ ta phun phân bón lá 33:33:11+TE, Atonik, định kỳ 7 ngày/ lần. Sau trồng khoảng 15-20 ngày, tiến hành bấm ngọn để 2 nhánh/cây để sau này cho số lượng bông nhiều hơn, nếu để 1 nhánh/cây số lượng bông ít, về hình thức chậu bông không được đẹp, giá bán không cao, người tiêu dùng ít lựa chọn. Trước khi bấm ngọn, ta nên bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 2kg/100 chậu. Nên tiến hành bấm ngọn vào buổi sáng.

Khi cây đạt chiều cao 20 - 25cm, ta tiến hành cắm tăm và giãn khoảng cách các chậu 1,2-1,5m. Chúng ta vẫn chăm sóc, tưới nước đều đặn nhưng chú ý tăng cường phân bón rễ như: Super Humic, Bi­mix loại ống (36ml/ống) pha 3 bình 8 lít vì giai đoạn này chúng ta cắm tăm làm tổn thương bộ rễ.

Giai đoạn này bón phân NPK (20-20-15) + DAP với liều lượng 3kg/100 chậu, cứ 5-7 ngày ta tưới một lần. Phun thuốc phòng trừ bệnh đốm lá, gỉ sắt như: Anvil, Ridomil…Phun thuốc phòng trừ bọ trĩ gây hại: Confido…

Đầu tháng 11 âm lịch tiến hành ngắt điện cho cây cúc, nên ngắt điện từ từ không nên ngắt điện một lần vì nó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây hoa cúc.

Chú ý: Hạn chế tưới đạm, tăng hàm lượng Kali, bón phân NPK (5-5-20) 2kg/100chậu, nếu cây hoa cúc xấu thì ta tăng lượng phân lên. Cứ 7-10 ngày tưới 1 lần.

Tiến hành ngắt tỉa nụ: Để lại 1 nụ chính/cây. Tỉa nụ dựa theo thời tiết: Trời âm u, thiếu ánh sáng tập trung lặt nụ sớm; thời tiết ấm áp ta để 3 nụ/cây.

Từ 10 - 15/12 âm lịch nếu nụ cỡ 1cm thì ta nên lặt hết các nụ phụ để lại 1 nụ chính, mục đích tập trung chất dinh dưỡng nuôi nụ chính để trổ bông trúng dịp tết.

Khoảng ngày 20/12 âm lịch nếu nụ còn nhỏ ta phun phân bón lá KNO3 (50-100g/bình 16lít) để kích thích trổ bông, 3-5 ngày phun một lần, nên phun vào lúc chiều mát. Nếu bông nở sớm ta mua bọc nhựa bọc lại để hạn chế sự nở của bông hoặc không thì ta làm giàn bằng lưới đen để che ánh sáng hạn chế bông nở sớm.

Bà con nên lưu ý: Nước tưới ngày 2 lần: Buổi sáng từ 6 - 7 giờ, nếu hôm nào có sương muối thì tưới sớm hơn. Buổi chiều tưới khoảng 15 giờ để cho bộ lá vào ban đêm ráo nước, hạn chế nấm bệnh xâm nhập gây hại.

KS. Lê Kim Thoa (Trạm KN-KN TP Tuy Hòa - Phú Yên)